từ Chuông Giấy

Phan Nhiên Hạo

Đạ Lạt 1989-2002

Mồng bốn Tết tôi trở lại Đà Lạt sau 15 năm.
Tôi không thấy Đà Lạt nữa,
tôi thấy một con bửa củi lật ngửa những cái chân thông
xơ xác chĩa lên trời ngọ ngoạy.
Tôi quầy quả lên đồi Cù nhưng nó đã thành một cái vú
cho thương gia Đài Loan trèo lên bóp mỗi ngày.
Tôi đi xuống hồ, bên phải hồ đã cạn,
bên trái hồ nhiều rác, bờ hồ lác đác quà rong và các phó nhóm lưu niệm.

Tôi ghé café Tùng, bây giờ nó là một quán lùng nhùng đủ hạng khách.
Nơi đây năm 1987 tôi mặc quần nhung mang đôi giày mượn của Bằng
quá rộng phải nhét them giấy vào gót
ngồi đẽo gọt những điếu thuốc đen chờ café tồi nhỏ giọt.
Khi 20 tuổi không tương lai nhưng có một hàm răng bén ngót
người ta co thể nhai đời mình một cách rất khoái cảm ở Đà Lạt,
người ta có thể đứng dưới thác của sự khổ đau bình thản
như đứng trong vườn dâu trại Hầm nhìn sang ngôi chùa nhỏ
bên kia đồi nơi nuôi một con chó lớn
canh giữ đức tin. Nơi người thảy tu già chết
sau khi từ chối bữa ăn cuối cùng để giành gạo cho chú tiểu,
khi lớn lên chú trở thành kẻ lụy vì yêu.

Đà Lạt bây giờ phát phì kiểu một người ăn tạp,
các con đường giãn dây thun, nhà xây theo bản nháp.
Xe gắn máy ăn cắp yên tĩnh ban mai.
Ngày đầy bọn đàn ông thô bạo đến từ xứ xở đói nghèo
trấn lột thân thể xốp thiếu nữ
trấn lột ngôn ngữ dịu dàng, trấn lột đất.
Thế giới đầy những con tốt bị xua qua song bởi khẩu hiệu và súng.

Tôi uống nước đóng chai tôi trú trong khách sạn tên Global Trek
kề dinh Bảo Đại. Qua cửa sổ mờ sương tôi thấy người đàn bà
gánh hai chiếc thúng.
Tôi không biết bà gánh gì
nhưng tôi biết sức nặng của cuộc đời không ra khỏi được thung lũng.



Illinois, April 25, 2007

Thang máy thẳng mở cửa lầu đầy sách
máng nước mùa mưa xoàng
đủ ngập cỏ
mọc đoái hoài sau đông
những trái thông mái nhà
lăn vòng sân chưa gom lá
con chó nhìn xe qua ngơ tỉnh nhỏ

Lún phún mây
trên da mặt xanh phẳng dậy thì
thiếu niên chạm trổ bức tượng gỗ
hình vị thần trần
bụng tích trương
lỗi lầm và hoan lạc
như hộp đựng tiền cắc thư tình

Vinh quang cho những kẻ một mình
chết đại bàng đỉnh tuyết
xa rời bọn lục cục
đầu đất, chân tường, lưỡi thiếc, quỳ lạy
nhấp nhổm văng
ghế gỗ lâu năm bóng sợ hãi nhà thờ

Từ thư viện nhìn thấy hồ
nhà và mồ của cá
thấy con đường thong thả
chia xẻ sự rành mạch bình nguyên

cách Chicago sáu mươi lăm dặm về phía tây
ngày mùi bơ đậu phộng
những cỗ máy vẽ đi vẽ lại trên cánh đồng vĩ đại
khuôn mặt khắc kỷ của tự do.



Hướng dẫn du lịch, Huế

Tỉnh Thừa Thiên có nhiều cửa biển được nhắc đến trong sử sách
như Thuận An có đền thờ cá voi
hành cung vua, nhà cửa sầm uất,
người Pháp từng gọi nơi này là phố Thuận An.
Ngoài ra còn có cửa Tư Hiền
sóng dữ thường đánh đắm thuyền bè dân chúng.
Vua Lý Thần Tông tức giận sai binh sĩ
lấy súng thần công bắn hai phát vào sóng:
một sóng tử thương máu loang mặt biển,
một sóng cuống cuồng chạy thoát ra khơi.
Từ đó bình yên thuyền bè qua lại.

Sau này vua Tự Đức cũng ra lệnh
bắn thẳng thần công vào tàu chiến Pháp:
một sóng tử thương máu loang mặt biển,
một sóng cuống cuồng chạy thoát ra khơi.
Từ đó bình yên tàu Pháp tự do ra vào.

Xin quý khách lưu ý, vua Tự Đức là nhà thơ.



Đất nước này

Đất nước này không có khủng long
đó là vấn nạn truyền thống
liệu tôi phải cần một đại dương rau
để phục sinh những hoá thạch chưa bao giờ tồn tại?

Đất nước này đang bị canh giữ bởi đạo quân trần truồng
sót lại từ cuộc cách mạng
đầu têu bởi một con khỉ
cả dân tộc được huấn luyện để làm xiếc.

Đất nước này là buổi tối mưa
không ướt kẻ nằm nhà nhưng ngập lối
trở về của những người đi tuần
thương tích đầy mình, bị tước đoạt vũ khí.

Đất nước không sạch lông, mặn, bầy hầy
bày ra trên dĩa mẻ
chủ tiệm và đầu bếp đếm tiền
sau hè giữa đống vỏ chai.

Đất nước này bò trái hoặc phải
về phía chiến hào, về phía hầm bí mật
đã bị bật nắp, đã ngập, đầy lươn
trong cuộc trốn tìm quá khứ.

Đất nước này là quả bom gỉ
trong vựa ve chai của người Tàu
chờ đợi được cưa ra đem bán
bom có thể câm, có thể nổ.

Đất nước này hơi cũ, đứt nút
những cánh đồng miếng vá, những dòng sông chỉ mờ
tôi đã cởi ra, để lại, bỏ đi
đến xứ sở xa, tôi ra chợ trời tìm kiếm áo quần tương tự.



Tử Vi Việt

Người Việt Nam trẻ hoài
cho đến ngày thành một cơn
ho.
Khoảng thời gian ở giữa
là thời của
ba hoa.
Hoặc trẻ con
hoặc gần đất xa trời.
Với chúng tôi không hề có
cái gọi là “người lớn.”
Chúng tôi sống sẵn sàng để đầu thai
thành những người
không Việt.
Dù mỗi ngày chúng tôi đều tự hào
được sinh ra
từ trăm trứng.

Sự thật là chúng tôi thích điểm tâm
với ốp la
và đã ăn chính mình
qua những cuộc nội chiến.