Hai bài thơ

Nguyễn Quốc Chánh

Ở đậu tao không biết, nhưng ở đây phải khác

Đây là Phan Thiết.
Bây giờ là 7 giờ.
Mặt trời đỏ bừng bừng.

Bây giờ biển lặng.
Bây giờ biển nhiều rong.
Bây giờ biển không đông người tắm,
Chỉ vài người nằm và ngồi khí công.

Một gã xà lỏn, cụt chân, làm trò vĩ nhân
Đang xoay vòng vòng trên cái trụ nổi gân.
(À, hắn rất giống kẻ sống sót từ mấy thế kỷ trước,
Và cũng không khác phế binh của hàng triệu tàu chìm.)

Ở đâu biển cũng mặn, đôi khi đắng, nhưng ở đây, biển tuyệt vời là mùi nước                                                                                           mắm.

Lịch sử của biển tất nhiên, ở đâu cũng là chiến tranh, nhưng ở đây, biển khác                                                                                           hẳn.

Giấc mơ của biển, ở đâu chắc cũng nối liền các đảo với các lục địa mãn kinh.

Nhưng ở đây, giấc mơ của biển, vĩnh viễn là chai nước mắm.

Nên ở đây, chỗ nào cũng, thường xuyên, bốc mùi thum thủm.





Dân tộc đương thời

[chuyên đề VIẾT CHO HOÀNG SA & TRƯỜNG SA]

Tôi không nghĩ mình còn dân tộc. Mặc dù tôi có một vài ngàn mét vuông đất. Tôi không nghĩ mình còn dân tộc. Vì đất không đủ để định tính một dân tộc. Chỉ có thể tạo ra những liên doanh lợi nhuận và quyền lực. Tôi không nghĩ mình còn dân tộc. Vì những căn bản của một dân tộc đã bị đầu độc. Cộng sản là kẻ đào tận gốc. Họ nhai dân tộc bằng định kiến giai cấp. Nuôi để ăn thịt. Nhốt để ăn thịt. Toàn quyền ăn thịt. Tôi không nghĩ mình còn dân tộc. Một cô gái khóc vì Hoàng & Trường Sa mất. Tôi nghe cũng mủi lòng. Mọi sự mất mát có thể rơi nước mắt. Rồi đây sẽ có nhiều người khóc. Vì một trong hai hòn đảo còn lại cũng sẽ mất. Tôi chắc những ai muốn đòi hai hòn đảo, chỉ có thể nhận được uất ức, tuyệt vọng và nước mắt. Tổ tông tôi cũng đã từng chặt đầu và chiếm đất. Còn tự đắc gọi là mang gươm đi mở cõi. Của ta và của người. Người Chăm và người Miên. Tôi không nghĩ mình còn dân tộc. Đã mất từ hơn 30 năm trước. Bạn tôi: Hương, Linh, Lan, ...cũng không còn dân tộc. Cũng đã mất từ hơn 30 năm trước. Họ vẫn sống mà không còn dân tộc. Nếu con người không còn dân tộc mà vẫn sống, tôi xứng đáng là một con người, vì hơn 30 năm rồi tôi đâu có dân tộc. Nếu mất mát được biểu thị bằng nước mắt, thì chắc chắn tôi không đủ để khóc.

Click here to read the Special Feature: Hai-Dang Phan on Contemporary Vietnamese Poets.